Menu

Tin tức

Giải quyết yêu cầu ly hôn và xử lý vấn đề con cái theo Luật HN&GĐ năm 200 (Kỳ 2)

Như đã nêu vấn đề quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn, hòa giải và căn cứ cho ly hôn, kỳ này chúng tôi tiếp tục phân tích vấn đề thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Kỳ 2: Thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên

Thuận tình ly hôn
 
Điều 90 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định”.
 
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn và thỏa thuận được với nhau về con chung, tài sản chung (nếu có), theo quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS, đây là loại việc dân sự và cho đến khi chưa có quy định nào khác thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải về yêu cầu ly hôn (còn con cái, tài sản các đương sự đã tự thỏa thuận được không phải hòa giải). Trong trường hợp Toà án hoà giải đoàn tụ không thành, thì Toà án lập biên bản về việc hoà giải đoàn tụ không thành. Sau đó Tòa án tiến hành tổ chức phiên họp giải quyết việc dân sự (không phải mở phiên toà) khi có đủ các điều kiện sau đây: Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn; Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong trường hợp cụ thể này là hợp pháp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Các bên phải thỏa thuận được về án phí.
 
Trong thực tiễn, có Thẩm phán thấy đương sự thỏa thuận thì lập biên bản sau đó ra quyết định công nhận sự thỏa thuận mà không xem xét, kiểm tra, đánh giá thỏa thuận đó có căn cứ, có hợp pháp hay không, thỏa thuận đó có cụ thể, rõ ràng chưa… nên dẫn đến vợ chồng thỏa thuận cả tài sản có liên quan đến quyền của sở hữu chủ khác; tài sản đã đưa đi thế chấp, bảo lãnh, một bên đã bán tài sản đó cho người khác, nhưng nội dung thỏa thuận không đề cập gì đến quyền lợi của những người này hoặc thỏa thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ mà vẫn được Thẩm phán ra quyết định công nhận là sai lầm nghiêm trọng.
 
Sau khi thụ lý việc dân sự về hôn nhân và gia đình, các đương sự lại tranh chấp. Nếu trong quá trình thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, các đương sự lại thay đổi ý kiến, không thỏa thuận, thống nhất được với nhau về các vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết; nói một cách khác là hai bên lại tranh chấp thì Tòa án phải thụ lý, giải quyết theo trình tự tố tụng của vụ án hôn nhân và gia đình theo thủ tục chung. 
 
Khi hai bên thỏa thuận được cả ba quan hệ nói trên, nhưng không thỏa thuận được về án phí, Tòa án vẫn phải đưa vụ việc đó ra xét xử. Đối với phần đương sự đã thỏa thuận được thì ghi nhận sự thỏa thuận đó trong bản án, đối với phần không thỏa thuận được, Tòa án sẽ tiến hành xét xử.
 
Ly hôn theo yêu cầu của một bên
 
Tại Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
 
“Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn.”
 
Như vậy, khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì Toà án phải tiến hành hoà giải. Đây là một thủ tục bắt buộc, trừ trường hợp không được hòa giải như: quan hệ hôn nhân bất hợp pháp, chung sống với nhau như vợ chồng thì không hòa giải về quan hệ tình cảm vợ chồng, hoặc trường hợp không tiến hành hòa giải được do bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
 
Đối với trường hợp bắt buộc hòa giải, nếu hoà giải đoàn tụ thành, người yêu cầu xin ly hôn rút đơn yêu cầu xin ly hôn, thì Toà án áp dụng điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
 
Nếu sau khi hoà giải, người xin ly hôn tuy đồng ý trở về đoàn tụ (nhưng không rút đơn yêu cầu xin ly hôn) thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ thành. Trong biên bản hòa giải đoàn tụ thành cần ghi: “Trong thời hạn bảy (7) ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành nếu đương sự nào thay đổi ý kiến thì phải lập thành văn bản gửi cho Tòa án”. Sau bảy (07) ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến, cũng như Viện kiểm sát không phản đối, thì Toà án ra quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành. Quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, nhưng đương sự có quyền khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
 
Trong trường hợp hoà giải đoàn tụ không thành, Toà án tiến hành hòa giải về quan hệ con cái và tài sản; nếu các đương sự thỏa thuận được các quan hệ và thỏa thuận được cả vấn đề án phí thì lập biên bản hòa giải ghi nhận thỏa thuận của các đương sự. Trong thời gian bảy (7) ngày kể từ ngày lập biên bản nếu không có đương sự nào có ý kiến gì khác, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận được quan hệ con cái, tài sản và án phí hoặc một trong các vấn đề của vụ án không thỏa thuận được thì Tòa án lập biên bản hoà giải không thành, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Khi xét xử, đối với những phần mà đương sự vẫn tiếp tục thỏa thuận được và không trái pháp luật thì ghi nhận trong bản án; đối với phần đương sự không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định.
 
Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn, sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn.
 
Đối với trường hợp một người đi khỏi nơi cư trú từ dưới hai năm trở xuống, người vợ hoặc người chồng của người này, dù không cung cấp được nơi cư trú mới của người này, nhưng vẫn làm đơn xin ly hôn và ghi địa chỉ của người vợ hoặc chồng của mình trong đơn khởi kiện theo địa chỉ trước khi họ ra đi. Gặp trường hợp này các Thẩm phán, các Tòa án đã xử lý rất khác nhau. Có Thẩm phán sau khi nhận đơn, biết bị đơn không có mặt tại nơi cư trú, đã hướng dẫn và yêu cầu đương sự cung cấp địa chỉ của bị đơn tại thời điểm khởi kiện. Nếu nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn Thẩm phán đã trả lại đơn khởi kiện xin ly hôn và hướng dẫn nguyên đơn làm đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự “tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú”. Sau khi quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt có hiệu lực pháp luật mà bị đơn không về, Thẩm phán coi là cố tình giấu địa chỉ, đồng thời yêu cầu nguyên đơn nộp lại đơn xin ly hôn để Tòa án thụ lý vụ án ly hôn, làm thủ tục niêm yết giấy báo phiên tòa và tiến hành xét xử vụ án ly hôn; Có Thẩm phán sau khi thụ lý vụ án ly hôn đã hướng dẫn đương sự có đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, sau thời gian bốn tháng, dù người vắng mặt về hay không về, Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án ly hôn; Có Thẩm phán sau khi thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú không có kết quả đã tạm đình chỉ giải quyết việc xin ly hôn; Có Thẩm phán sau khi thụ lý việc ly hôn đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ và xét xử vắng mặt bị đơn; Có Thẩm phán lại căn cứ vào Điều 192 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án v.v…
 
Nhìn chung cách giải quyết như trên là chưa đúng, chưa chuẩn xác. Đối với trường hợp nói trên nếu chưa thụ lý thì trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn đương sự tìm kiếm, cung cấp địa chỉ của bị đơn tại thời điểm khởi kiện hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh bị đơn cố tình giấu địa chỉ. Nếu nguyên đơn cung cấp được địa chỉ hoặc cung cấp được tài liệu, chứng cứ là bị đơn cố tình giấu địa chỉ thì Tòa án thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục chung. Nếu đã thụ lý thì Tòa án cũng phải hướng dẫn cho đương sự. Mặc dù đã được Tòa án hướng dẫn thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 169 BLTTDS, nhưng đương sự không cung cấp được thông tin gì mới, Thẩm phán căn cứ vào điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại tài liệu, chứng cứ cho đương sự, nếu có yêu cầu.