Menu

Tin tức

Khởi kiện đòi “sổ đỏ” sẽ được thụ lý, giải quyết

Theo hướng dẫn của TANDTC thì hiện nay, Tòa án không thụ lý giải quyết yêu cầu buộc người chiếm giữ trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây không phải là giấy tờ có giá theo quy định. Tuy nhiên, từ 1/1/2017 tới đây, người dân khởi kiện những tranh chấp dạng này sẽ được Tòa án thụ lý, giải quyết.

 

 

Từ 1/1/2017: Khởi kiện đòi “sổ đỏ”  sẽ được thụ lý, giải quyết

Từ 1/1/2017, kiện đòi “sổ đỏ” do người khác đang cầm giữ sẽ được tòa án thụ lý giải quyết.

Nhiều quy định còn chưa tương thích

Phát biểu tại cuộc họp liên ngành nhằm rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan đến Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) do Bộ Tư pháp tổ chức sáng qua (10/8), đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho hay, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát 124 văn bản (gồm 86 luật, 13 nghị quyết, 15 nghị định) liên quan đến BLDS 2015 và BLTTDS 2015 để đánh giá mức độ tương thích và xác định những quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của BLTTDS 2015 hoặc xác định những khoảng trống pháp lý không bảo đảm thi hành hiệu quả các quy định của BLTTDS 2015.

Theo đánh giá thì cơ bản, hệ thống VBQPPL được rà soát đã có sự tương thích, đồng bộ, thống nhất với các quy định của BLTTDS năm 2015 cả về nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự; thẩm quyền của tòa án; chứng minh và chứng cứ; thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, mất tích, vắng mặt tại nơi cư trú, mất năng lực hành vi dân sự; thủ tục giải quyết văn bản công chứng vô hiệu, tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu…

Tuy nhiên, qua rà soát thì quy định trong một số VBQPPL vẫn có một số nội dung chưa bảo đảm tương thích hoặc không đồng bộ, còn khoảng trống pháp lý trong thi hành BLTTDS 2015. Đơn cử như hiện chưa có VBQPPL nào quy định chi tiết về xử phạt hành chính đối với các hành vi quy định tại Chương XL của BLTTDS 2015 (xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự); BLTTDS 2015 quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự hiện chưa có quy định về việc thi hành Quyết định giám đốc thẩm dạng này; BLTTDS 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu nhưng Bộ luật Lao động lại quy định Thanh tra Lao động cũng có quyền này; BLTTDS 2015 quy định phạm vi bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), người THTT rộng hơn so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…

Theo dự kiến, đối với những VBQPPL cần ban hành mới trong thời gian tới và những VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Đối với những VBQPPL đang trong quá trình xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để đảm bảo sự đồng bộ.

Sẽ thụ lý việc kiện đòi “sổ đỏ” sau hơn 5 năm “tạm dừng”

Đối với những vấn đề cần có sự thống nhất về nhận thức, áp dụng pháp luật trong TTDS (như về quyền kế thừa tố tụng, người đại diện theo uỷ quyền là pháp nhân…), Bộ Tư pháp sẽ báo cáo để Chính phủ đề nghị TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn.

Liên quan đến thẩm quyền của TANDTC, ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, hiện nay, tuy tranh chấp trong việc cầm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không nhiều nhưng lại khá phức tạp vì không được Tòa án thụ lý. Cơ quan công an cũng không giải quyết vì cho rằng loại giấy này không phải là tài sản. Vì vậy, ông Hợp đề nghị TANDTC cần sớm có hướng dẫn về việc thụ lý giải quyết dạng tranh chấp dạng này.

Trả lời về vấn đề trên, đại diện TANDTC cho biết, từ 1/1/2017 tới đây (thời điểm BLDS 2015 và BLTTDS 2015 có hiệu lực) thì các tranh chấp liên quan đến việc cầm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết vì đây được coi là “quyền tài sản” đã được quy định trong BLDS 2015.

Trước đó, vào năm 2011, tại công văn hướng dẫn TAND các địa phương,  TANDTC nêu rõ, theo các quy định hiện hành thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của BLDS năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết.