Bản tin pháp luật số 3 - 2013
28/05/2016
Theo quy định tại Thông tư này, cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải làm việc ban đêm hoặc làm thêm giờ được bố trí nghỉ bù; trường hợp không thể bố trí nghỉ bù được thì người đứng đầu cơ quan Việt Nam ở nước ngoài duyệt hưởng tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của pháp luật. Chứng từ làm căn cứ thanh toán tiền phụ cấp làm thêm giờ bao gồm giấy báo làm thêm giờ có kê khai thời gian, tổng số giờ, nội dung công việc làm thêm của cá nhân, bảng thanh toán tiền làm thêm giờ được thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xác nhận.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định chi tiết về chế độ phụ cấp, trợ cấp... đối với công chức, viên chức, cụ thể như: Trợ cấp 30% mức sinh hoạt phí tối thiểu áp dụng cho địa bàn có chiến tranh, dịch bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ ở các địa bàn đó; phụ cấp hàng tháng 5% mức sinh hoạt phí tối thiểu tại nước công tác đối với nữ cán bộ, công chức, phu nhân; hỗ trợ 500 USD/người/năm mua bảo hiểm khám chữa bệnh cho cán bộ, công chức, phu nhân/phu quân...
Kinh phí chi trả cho các khoản chi trên được bố trí từ các nguồn ngân sách Nhà nước; các khoản thu phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác được để lại theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tư này thay thế Thông tư số 222/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.
Thương mại:
ĐIỀU KIỆN KÝ HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN SINH HOẠT
Ngày 21/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, quy định điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.
Cụ thể, bên bán điện phải có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua; bên mua điện phải có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ như: Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên...
Trường hợp bên mua là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 01 triệu kWh trở lên thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực. Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện (tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng).
Điện năng cung cấp cho bên mua phải đảm bảo các tiêu chuẩn về điện áp và tần số cho sử dụng điện như: Độ lệch điện áp cho phép trong điều kiện bình thường trong khoảng ± 5% so với điện áp danh định của lưới điện; độ lệch tần số hệ thống điện cho phép trong điều kiện bình thường là ± 0,2Hz so với tần số danh định là 50Hz...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013; thay thế Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/08/2005.
Tài nguyên - Môi trường:
CHIẾM DỤNG HÀNG HÓA CỨU TRỢ LỤT, BÃO, PHẠT ĐẾN 10 TRIỆU ĐỒNG
Ngày 22/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão, với mức tiền phạt dao động từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về phòng, chống lụt, bão và 100 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và đê điều.
Trong đó, mức phạt tiền từ 200.000 đồng - 300.000 đồng được áp dụng đối với hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ; trồng rau hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi; không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thực hiện sơ tán để đảm bảo an toàn, ứng phó lụt, bão; mức phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng được áp dụng đối với tổ chức có hành vi sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão hoặc xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; phạt tiền lần lượt từ 05 - 10 triệu đồng và 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi chiếm dụng hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lụt, bão và xây dựng công trình làm hư hỏng công trình phòng, chống lụt, bão...
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều và bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Riêng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão xảy ra trước ngày 08/12/2013 mà sau đó mới bị phát hiện nhưng vẫn còn thời hiệu xử phạt hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/12/2013.
Y tế - Sức khỏe:
HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO
Đây là nội dung của Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT- BTC do Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành ngày 18/10/2013, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày
15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Theo đó, Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo (sau đây gọi là Quỹ) được đặt tại Sở Y tế, có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ban Quản lý của Quỹ gồm Trưởng ban là lãnh đạo UBND cấp tỉnh; 02 Phó trưởng ban là lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Sở Tài chính cùng các thành viên khác là đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Thông tư cũng chỉ rõ, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ Quỹ để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với mệnh giá 50.000 đồng/người/năm hoặc thực thanh, thực chi cho dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến xã và viện phí cho người nghèo, nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhân dân các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên; hỗ trợ một phần viện phí cho người lang thang, cơ nhỡ, các trường hợp gặp khó khăn đột xuất do mắc các bệnh nặng, chi phí cao khi điều trị ở bệnh viện Nhà nước.
Trong trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định về bảo hiểm y tế; Quỹ không hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh đối với các trường hợp này.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013.
Giao thông:
LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI MẪU GIẤY PHÉP LÁI XE Ô TÔ MỚI
Ngày 24/10/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó đáng chú ý là quy định về lộ trình chuyển đổi sang Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.
Cụ thể, Giấy phép lái xe ô tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2014; tương tự, thời gian chuyển đổi Giấy phép lái xe hạng A4 là trước ngày 31/12/2015; thời gian chuyển đổi Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) cấp trước năm 2003, 2004, 2007 và cấp sau năm 2010 lần lượt là trước ngày 31/12/2016, 31/12/2017, 31/12/2018 và 31/12/2020.
Trong thời hạn 03 tháng, trước khi Giấy phép lái xe hết hạn, người có nhu cầu tiếp tục sử dụng Giấy phép lái xe được xét đổi; Giấy phép lái xe bằng giấy bìa đang lưu hành còn thời hạn sử dụng sẽ được đổi sang Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET theo lộ trình nêu trên.
Cũng theo Thông tư này, từ ngày 01/03/2014, hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng mới cơ sở đào tạo lái xe ô tô bao gồm:
Văn bản đề nghị chấp thuận xây dựng mới cơ sở đào tạo lái xe ô tô; văn bản xác nhận chấp thuận của cơ quan quản lý có thẩm quyền tại địa phương về đất đai dùng để xây dựng cơ sở đào tạo và đề án xây dựng cơ sở đào tạo lái xe ô tô trong đó có nội dung dự kiến về vị trí, diện tích xây dựng, quy mô, lưu lượng đào tạo, số lượng giáo viên, số lượng phương tiện của cơ sở đào tạo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2014.
NGUYÊN TẮC XẾP HÀNG HÓA TRÊN XE Ô TÔ
Ngày 21/10/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, việc xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản như: Phương tiện vận tải phải phù hợp với loại hàng hóa cần vận chuyển; việc xếp và vận chuyển hàng hóa phải thực hiện đúng quy định về trọng tải thiết kế của xe ô tô, tải trọng và khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; hàng hóa xếp phải dàn đều, không xếp lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm không xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông, phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa trước khi xếp lên xe ô tô.
Người vận tải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho lái xe, người áp tải và người xếp hàng đặc điểm của hàng hóa, kích thước; bố trí đầy đủ thiết bị che phủ, chằng buộc, đệm lót phục vụ cho việc xếp hàng hóa và tạo điều kiện cho người xếp hàng thực hiện đúng quy định về xếp hàng hóa; bồi thường cho lái xe, người áp tải, người xếp hàng nếu những người này bị xử phạt khi vi phạm các quy định về xếp hàng hóa do thực hiện yêu cầu của người vận tải; chịu trách nhiệm đối với tất cả các vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn và các quy tắc xếp hàng hóa trên xe ô tô...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013.
Giáo dục - Đào tạo- Dạy nghề:
KÉO DÀI THỜI GIAN LÀM VIỆC ĐẾN 10 NĂM VỚI GIẢNG VIÊN ĐỦ TUỔI NGHỈ HƯU
Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên chính có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học (trường hợp giảng viên có sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận) là nội dung quy định tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Trong đó, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 05 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư và giáo sư lần lượt là tối đa 07 năm và 10 năm. Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận. Cụ thể như: Ưu đãi thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; chia sẻ sử dụng, khai thác và miễn phí hoặc giảm kinh phí chia sẻ, sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục đại học do Nhà nước đầu tư; ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở cạnh tranh như các cơ sở giáo dục đại học công lập...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.
VI PHẠM TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU TUYỂN SINH, PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỒNG
Ngày 22/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, với mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền lần lượt từ 01 - 02 triệu đồng; 02 - 04 triệu đồng và 06 - 12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định; không đúng đối tượng và tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép; phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm quy định về tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức các khoản thu trái quy định; mức tiền phạt đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ vượt số lượng từ 15% đến dưới 20% và từ 20% trở lên so với chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo lần lượt là 20 - 40 triệu đồng và 40 - 60 triệu đồng...
Mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng này cũng được áp dụng đối với hành vi tổ chức thành lập hội đồng đánh giá luận văn, thạc sĩ, luận án tiến sĩ khi người học chưa hoàn thành chương trình học theo quy định và hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ để được thành lập, cho phép thành lập trường cao đẳng, đại học...
Mức phạt tiền trên được áp dụng cho tổ chức. Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được áp dụng bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức nêu trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.
Chính sách kinh tế - xã hội:
RÀ SOÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG
Trước tình hình thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn sai sót, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 02 năm 2014 - 2015.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số đơn vị có liên quan phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 02 năm 2014 - 2015 với 07 đối tượng sau: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người có công giúp đỡ cách mạng; Cựu thanh niên xung phong kháng chiến.
Trên cơ sở đó, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách cho đối tượng là người có công với cách mạng; kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được ban hành, trong đó đặc biệt quan tâm đối với người có công thuộc diện hộ nghèo, còn khó khăn về nhà ở, người có công sống cô đơn không nơi nương tựa, người có công và gia đình người có công ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng...
TỪ 01/01/2014, MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI LÀ 270.000 ĐỒNG
Theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì mức chuẩn nêu trên sẽ được nhân với các hệ số tương ứng từ 1,0 đến 3,0 tùy theo từng đối tượng để tính mức trợ cấp tối thiểu hàng tháng.
Các đối tượng được hưởng trợ cấp bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng như bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích; cả cha và mẹ đều mất tích…; người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc các trường hợp nêu trên mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng; người đơn thân nghèo đang nuôi con; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng; trẻ
em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định về người khuyết tật…
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/hộ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở; hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hộ trong trường hợp nhà ở bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, hỗ trợ 15kg gạo/người đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch; 15kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 03 tháng trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014 và thay thế các quy định trước đây về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.